28/08/2020 | lượt xem: 1 KỶ NIỆM 75 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI (28/8/1945-28/8/2020) Ngày 27/8/2020, Sở Giao thông vận tải Hưng Yên đã tổ chức buổi gặp mặt Kỷ niệm nhân 75 năm Ngày thành lập Ngành Giao thông vận tải (28/8/1945-28/8/2020). Dự buổi gặp mặt có đồng chí Bùi Thế Cử, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Tại buổi gặp mặt, ngành Giao thông vận tải Hưng Yên đã ôn lại truyền thống, chặng đường 75 năm xây dựng và phát triển của ngành Giao thông vận tải Việt Nam nói chung, ngành Giao thông vận tải Hưng Yên nói riêng. Ngày 28.8.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Giao thông Công chính, nay là Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Từ đó, ngày 28.8 hàng năm trở thành ngày truyền thống của ngành GTVT Việt Nam. Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, ngành GTVT luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước và dân tộc, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng và đời sống nhân dân. Cùng với sự hình thành, phát triển của ngành GTVT cả nước, ngành GTVT Hưng Yên cũng ra đời và ngày càng phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh qua các thời kỳ. Trong công cuộc xây dựng và tái thiết đất nước, cùng với lực lượng GTVT trong cả nước, cán bộ, công nhân, viên chức (CBCNVC) ngành GTVT Hưng Yên đã hăng say lao động, khôi phục lại các tuyến đường, các cây cầu đã bị phá huỷ trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng thời bắt tay ngay vào công tác xây dựng, kiến thiết, tập trung cải tạo nâng cấp một số tuyến đường trục chính của tỉnh, mở thêm nhiều tuyến mới, nhất là hệ thống huyện lộ. Cùng với phong trào sản xuất nông nghiệp - làm thuỷ lợi, Hưng Yên thời kỳ này nổi lên phong trào làm đường giao thông nông thôn rầm rộ, mọi nơi làm đường, nhà nhà làm đường bằng các nguồn vật liệu sẵn có và tận dụng tại địa phương. Năm 1964, cán bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên nói chung và ngành GTVT Hưng Yên nói riêng vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Cờ thi đua luân lưu về phong trào làm đường giao thông nông thôn khá nhất. Năm 1968, tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng, ngành GTVT của hai tỉnh cũng được sáp nhập, các đơn vị trong ngành đều được sắp xếp lại cho phù hợp với điều kiện hành chính mới. Năm 1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập, cùng với đó ngành GTVT Hưng Yên được thành lập lại. Trong bối cảnh khó khăn chung của một tỉnh mới tái lập, hạ tầng GTVT của tỉnh còn nhiều khó khăn. Do vậy, yêu cầu cấp bách trong thời điểm này là phải chú trọng đẩy mạnh đầu tư cải tạo nâng cấp, xây dựng mới nhiều tuyến đường giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh mới tái lập. Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, cùng với sự nỗ lực khắc phục khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, điều kiện làm việc, với tinh thần chủ động, sáng tạo của CBCNVC ngành GTVT Hưng Yên, sau một thời gian mạng lưới đường giao thông của tỉnh có bước phát triển đáng kể, đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của tỉnh. Trong giai đoạn này, nhiều công trình giao thông trọng điểm đã được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác tạo sự thông thương, vị thế quan trọng cho tỉnh và thành phố Hưng Yên như các công trình: Bến phà Yên Lệnh (năm 1997), QL.5 (năm 1999), QL.39 (năm 2003), cầu Yên Lệnh (năm 2004), dự án GTNT 2 (năm 2001-2006)… Giai đoạn từ 2005 - 2015, mạng lưới đường giao thông tiếp tục được quan tâm đầu tư nâng cấp, nhiều tuyến đường do trung ương quản lý được đầu tư xây dựng như đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; dự án nâng cấp, mở rộng QL.38B, các dự án xây dựng cầu Lực Điền, cầu Tràng, cầu Cáp trên QL.38B, dự án cải tạo nâng cấp QL.38… Cùng với đó các tuyến đường tỉnh được đầu tư như dự án đường tỉnh ĐT.376; dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường liên tỉnh Hưng Yên – Hà Nội (ĐT.379), khởi công tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình… Đặc biệt dự án nâng cấp, mở rộng QL.39 đoạn qua thành phố Hưng Yên đã đưa thành phố Hưng Yên lên diện mạo mới, vị thế mới. Giai đoạn 2015-2020, kết cấu hạ tầng giao thông đã có sự phát triển vượt bậc, nhiều công trình quan trọng, thiết yếu được đưa vào sử dụng, cụ thể như: Tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn I) và cầu Hưng Hà; tuyến đường vành đai 3,5, vành đai 4 Hà Nội đã được quy hoạch chi tiết và cắm mốc quy hoạch ngoài thực địa; dự án nâng cấp, mở rộng QL.38 đoạn qua địa bàn tỉnh, cải tạo, nâng cấp ĐT.386, phối hợp hoàn thành dự án xây dựng cầu La Tiến; dự án đường trục kinh tế Bắc – Nam tỉnh Hưng Yên với ĐT.281 tỉnh Bắc Ninh; dự án cải tạo, nâng cấp đê tả sông Hồng, sông Luộc (ĐT.378); dự án xây dựng cầu Minh Tân và đường dẫn, cầu Hồng Tiến trên ĐT.384,… Ngoài các công trình, tuyến đường do trung ương quản lý đi qua địa bàn tỉnh, từ năm 2015 đến nay, sở đã tham mưu với UBND tỉnh đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây mới được 1.164 km đường giao thông từ quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện và các tuyến đường giao thông nông thôn, trong đó 87,4 km đường tỉnh và 4 cầu trên các tuyến đường tỉnh với chiều dài 118,9m. Cùng với đó nhiều đường huyện, đường giao thông nông thôn đã được nâng cấp, cải tạo thành mạng lưới hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khá bền vững và phát triển, góp phần hoàn thành chỉ tiêu 145/145 xã đạt tiêu chí giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, góp phần làm thay đổi diện mạo, vị thế của tỉnh, bảo đảm an ninh, quốc phòng, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong những năm tới, ngành GTVT Hưng Yên sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, cùng các ngành, các cấp và toàn xã hội vượt qua khó khăn, thử thách để tạo ra chuyển biến cơ bản, toàn diện về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trên cơ sở những thành quả và bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực hiện, thời gian tới ngành GTVT Hưng Yên tiếp tục tham mưu cho Tỉnh xây dựng quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh đến năm 2020 và định hướng năm 2030; nhằm khai thác tốt các tuyến đường giao thông lớn của quốc gia, của vùng đi qua tỉnh như tuyến đường vành đai 3,5; vành đai 4; đường nối vành đai 5 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; các nút giao kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường bộ nối hai đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tham mưu đầu tư hệ thống đường tỉnh theo quy hoạch, đầu tư đạt cấp quy hoạch các tuyến đường huyện và giao thông nông thôn,… Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thế Cử biểu dương những đóng góp quan trọng của ngành GTVT đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua, đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu, sự đoàn kết của tập thể lãnh đạo, của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Giao thông vận tải Hưng Yên. Trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Chủ động rà soát, tham mưu UBND tỉnh các chính sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới; Xây dựng, quản lý chặt chẽ quy hoạch phát triển của ngành gắn liền với quy hoạch tổng thể chung của tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý chất lượng các công trình giao thông; tranh thủ các nguồn vốn, sớm triển khai và hoàn thiện các tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh; tiếp tục đổi mới, tinh giản bộ máy của ngành đảm bảo hoạt động hiệu quả,… Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chào mừng Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Giao thông vận tải; cùng nhiều tập thể, cá nhân được Giám đốc Sở tặng Giấy khen trong phong trào thi đua giai đoạn 2015-2020 và thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chào mừng Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Giao thông vận tải. Văn phòng
Chương trình Gặp mặt – Giao lưu văn nghệ chào mừng 79 năm Ngày truyền thống Ngành Giao thông Vận tải (28/8/1945-28/8/2024) và bế mạc Hội thao-Hội diễn công nhân, viên chức, lao động năm 2024.
Hội nghị Học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị, kết luận, của Đảng quý II/2024 và Quy định số 144-QĐ/TW; Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị