Tai nạn ở Sêrêpôk: Nỗi đau khôn nguôi

- Hai ngày sau vụ tai nạn thảm khốc trên cầu Sêrêpốk (Đắk Lắk) làm 34 người tử vong và 18 người bị thương, không khí tang thương bao trùm lên những mái nhà của các nạn nhân.

Sáng 19-5, hàng trăm người dân xã Ea M’ly, huyện M’Đrắk- Đắk Lắk đang tất bật tiễn đưa vợ chồng anh Ven Gia Lập (SN 1970) và chị Hồ Thị Thủy (SN 1980) về nơi an nghỉ cuối cùng.

Bố mẹ ra đi để lại 3 con nhỏ

Dành dụm bao nhiêu năm trời, anh Lập và chị Thủy vừa mới làm được một căn nhà cấp 4. Chỉ có vài sào đất trồng cà phê nên anh chị thường xuyên phải đi làm thuê để nuôi 3 con nhỏ ăn học.

Tháng trước, khi đi làm về, chị nói với anh là đau trước ngực, dù vậy nhưng cuộc sống khó khăn nên vẫn cứ cố đi làm. Hai ngày trước khi gặp nạn, chị kêu đau liên tục,  anh Lập quyết định vay tiền đưa vợ lên TPHCM chữa trị. Vậy mà chuyến xe đêm ấy đã cướp đi sinh mạng của cả anh chị.

Con lớn nhất của anh Lập - chị Thủy chỉ mới 12 tuổi, nhỏ nhất 4 tuổi. Khi người dân tất bật chuẩn bị đưa thi thể anh chị về nơi an nghỉ cuối cùng thì bé Mỹ Ngọc, con út của họ, vẫn cười nói chạy nhảy khắp nhà. Bé Ngọc còn quá nhỏ để cảm nhận được nỗi đau quá lớn ập đến gia đình mình.

Cùng đi trên chuyến xe trên, có anh Lê Công Bằng (SN 1973, trú xã Ea Yông - Krông Pắk) với vợ là chị Trần Thị Thanh Trúc (SN 1972) và con gái Lê Thị Bích Trâm (SN 2007). Anh Bằng là tài xế phụ của chiếc xe định mệnh này. Vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của anh Bằng và chị Trúc, còn cháu Trâm bị thương rất nặng.

 

Ba đứa con thơ của vợ chồng anh Ven Gia Lập - chị Hồ Thị Thủy ngơ ngác bên bàn thờ bố mẹ

 Bà Nguyễn Thị Tâm (SN 1967, trú xã Ea M’lang - huyện M’ Đrắk) chỉ có duy nhất người con gái là Nguyễn Thị Thương Huyền. Gia đình quá nghèo nên mới đây bà được Nhà nước hỗ trợ làm một căn nhà cấp 4.
Sau khi học một năm cao đẳng, năm ngoái, Huyền thi lại và đỗ vào Trường ĐH Kiến trúc TPHCM. Nghe tin con mất, bà Tâm không gượng dậy nổi. Nằm trên một chiếc chiếu mục nát, bà Tâm đau đớn kể lại như trách bản thân mình đã gây ra cái chết cho con: “Đáng lẽ ra nó không về nhưng chỉ vì thương mẹ một mình ở nhà nên gọi điện xin về thăm mấy ngày rồi lên thi học kỳ. Vậy mà…”.   

Những khu mộ đôi
Trong số 34 nạn nhân (không phải 37 như thông tin ban đầu) không ít trường hợp một gia đình có đến 2 người chết. Gia đình ông Bùi Đức Thuận - bà Lê Thị Mỹ Dung (trú xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) có 2 con tử nạn là Bùi Thị Thơ (SN 1989) và Bùi Đức Quyền (SN 1998). Bà Dung không còn khóc ra tiếng nhưng nước mắt vẫn cứ tuôn trào.
Sáng 18-5, hai em của chị Thơ đang học ở TPHCM  ra bến xe đón người thân nhưng không thấy, gọi điện cũng không liên lạc được nên gọi về cho gia đình. Ông Thuận hoảng hốt điện thoại cho nhà xe mới hay tin dữ.

Có một khu mộ đôi mà họ không phải là vợ chồng hay anh em cũng vừa được xây lên ở nghĩa trang xã Krông Zing - huyện M’ Đrắk, đó là 2 ngôi mộ của chị Trầm Sử Thanh Trà (SN 1988) và anh Trần Quốc Hưng (SN 1987).

Chị Trà mới tốt nghiệp Trường ĐH Hồng Bàng (TPHCM) được hơn một tháng, còn anh Hưng hiện đang là sinh viên năm 4 Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Chị Trà xuống TPHCM để học nghiệp vụ sư phạm, còn anh Hưng chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Bà Sử Thị Bích Thủy, mẹ của chị Trà, đau đớn: “Mấy ngày trước, Hưng qua nhà chơi và có nói với tôi là tháng 10 này tốt nghiệp xong sẽ nói bố mẹ sang nhà thưa chuyện về quan hệ của hai đứa. Sau khi 2 cháu mất, gia đình tôi và gia đình Hưng đã thống nhất đặt 2 cháu an nghỉ cạnh nhau để ở dưới đó tiếp tục là bầu bạn”.

Thêm 4 nạn nhân nguy kịch

Đến chiều 19-5, có 4 trường hợp phải chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy - TPHCM do bị thương quá nặng, gồm: Ông Trần Văn Chuyên (SN 1960, trú xã Cư Prao, huyện M’Đrắk), Đinh Thị Anh Thủy (SN 1991, trú xã Cư M’ta, huyện M’Đrắk), Nguyễn Nhựt Trường (SN 1980, trú An Giang) và Trịnh Khánh Huyền (SN 2009, trú xã Cư M’ta, huyện M’Đrắk).

Trong ngày, 6 nạn nhân đã xuất viện và hiện có 11 người đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk.

Cao Nguyên (Người lao động)