HƯNG YÊN - chặng đường 180 năm

Cách đây 180 năm - cũng vào năm Tân Mão (1831) - đã diễn ra một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc ta nói chung, của tỉnh Hưng Yên nói riêng, đó là việc vua Minh Mệnh tiến hành chia đặt lại địa hạt hành chính và xếp đặt quan chức từ Quảng Trị trở ra Bắc. Từ đây, danh xưng Hưng Yên đã xuất hiện với tư cách là một tỉnh trong hệ thống các đơn vị hành chính của nước Đại Nam nửa đầu thế kỷ XIX.

1. Nhà Tây Sơn, đặc biệt với vai trò của Nguyễn Huệ - Quang Trung, đã có công lao to lớn trong việc xóa bỏ tình trạng Nam - Bắc phân tranh, đánh tan giặc ngoại xâm Xiêm, Thanh, tạo nền tảng quyết định cho sự xác lập nền thống nhất đất nước. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi đã tiếp tục sự nghiệp thống nhất đất nước nhằm hoàn chỉnh lãnh thổ và xây dựng một thiết chế quản lý tập trung từ Trung ương xuống địa phương.

Ngay sau khi nhất thống sơn hà, vua Gia Long đã cho gộp 11 trấn của Bắc Hà (gồm 5 nội trấn: Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương và 6 ngoại trấn: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hưng Hóa, Yên Quảng, Cao Bằng, Tuyên Quang) làm Bắc Thành. 5 cực trấn phía Nam (Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường, Hà Tiên) được hợp thành Gia Định Thành. Đối với địa hạt đất Đàng Trong, vị vua đầu triều Nguyễn này vẫn cho giữ nguyên cách thức tổ chức như cũ từ thời các chúa Nguyễn, bao gồm 4 dinh (Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị) trực thuộc đất Kinh kỳ Phú Xuân và 7 trấn độc lập (Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận).

Lên ngôi và trị vì đất nước một thời gian, vua Minh Mệnh đã nhận thấy nhiều bất cập trong cách thức tổ chức hành chính và xếp đặt quan lại ở các địa phương của vị vua cha tiền nhiệm.

Từ việc tham chiếu cách thức xếp đặt đơn vị hành chính, quan thuộc của thời Minh, Thanh bên Trung Quốc, các quan văn võ cùng đình thần đã đồng tâm nhất trí, vì họ đều nhận thấy việc xếp đặt lại các đơn vị hành chính và quan thuộc, tuy “dẫu lúc đầu xếp đặt hơi có bận rộn, nhưng một khi việc đã làm xong thì rồi nó cũng thành nếp quen. Đó thực là cái lợi nghìn muôn đời vô cùng”. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, tháng 10 năm Tân Mão (1831), vua Minh Mệnh đã quyết định chia định địa hạt các tỉnh từ Quảng Trị trở ra Bắc thành 18 tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoa, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Yên, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao BằngHưng Yên. Và, đúng một năm sau, tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832), địa phận từ Quảng Nam trở vào phía Nam đặt thành 12 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa, Biên Hòa, Gia Định, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang và Hà Tiên. Như thế, nước Đại Nam khi đó bao gồm 1 phủ (Thừa Thiên) và 30 tỉnh. Dưới tỉnh là phủ, huyện, châu và tổng, xã. Cấp chính quyền cơ sở là tổng và xã được tổ chức chặt chẽ nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước vươn tới tận các xã thôn.

 

Văn miếu Xích Đằng

 

Để cai quản tốt những tỉnh vừa đặt, vua Minh Mệnh chia đặt quan lại trông coi. Đứng đầu mỗi tỉnh là một viên Tổng đốc ([1][1]) có trách nhiệm giữ việc cai trị cả quân, dân, cầm đầu các quan văn quan võ trong toàn hạt; khảo hạch các quan lại, sửa sang bờ cõi; Tuần phủ giữ việc tuyên bố đức ý triều đình, vỗ yên nhân dân, coi giữ các việc chính trị, giáo dục, mở điều lợi, bỏ điều hại; Bố chính sứ giữ việc thuế khoá, tài chính toàn hạt; triều đình có ân trạch, chính lệnh gì ban xuống thì truyền đạt cho các xã thôn; án sát sứ giữ việc kiện tụng, hình án trong toàn hạt, chấn hưng phong hoá, kỷ cương, trừng thanh các quan lại, kiêm coi công việc chạy trạm trong hạt, khi có những việc trọng đại thì hai ty (Bố chính, án sát) phải hội đồng bàn bạc, rồi trình bày với Tổng đốc hay Tuần phủ mà làm; Lãnh binh phụ trách về quân sự trong hạt.

Những thay đổi về đơn vị hành chính và quan chức ở các địa phương những năm 1831 - 1832 là một phần trong chiến lược cải cách tổng thể của vua Minh Mệnh, là cơ sở pháp lý và khoa học cho việc xác định thời điểm ra đời của một số địa phương, trong đó có tỉnh Hưng Yên.

2. Tỉnh Hưng Yên được thành lập trên cơ sở 5 huyện (Tiên Lữ, Phù Dung, Thiên Thi, Đông An, Kim Động) của phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam và 3 huyện (Hưng Nhân, Thần Khê, Duyên Hà) của phủ Tiên Hưng, trấn Nam Định.

Trải qua quá trình thay đổi, chia tách và sáp nhập, địa danh và địa giới tỉnh Hưng Yên dần dần được định hình và ổn định.

Mốc thời gian quan trọng đầu tiên là năm 1890, khi tỉnh Thái Bình được thành lập, huyện Thần Khê của phủ Tiên Hưng chuyển sang Thái Bình, và đó cũng là cơ sở cho bốn năm sau (năm 1894), hai huyện còn lại là Duyên Hà và Hưng Nhân sáp nhập sang tỉnh Thái Bình. Từ đó, ranh giới giữa hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình được phân định bởi dòng sông Luộc tự nhiên. Cũng trong năm 1890, để đối phó với cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy lừng danh, thực dân Pháp cho thành lập đạo Bãi Sậy, gồm 4 huyện Văn Lâm, Cẩm Lương, Yên Mỹ và Mỹ Hào. Tuy nhiên, đạo này chỉ tồn tại được một năm thì bãi bỏ, các huyện Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào chính thức được sáp nhập vào tỉnh Hưng Yên. Như vậy, đến cuối thế kỷ XIX, tỉnh Hưng Yên đã gồm 8 huyện, với lỵ sở hành chính đóng tại khu vực Xích Đằng (trung tâm của Phố Hiến xưa).

Cách mạng Tháng Tám - 1945 thành công, các đơn vị hành chính tỉnh Hưng Yên vẫn giữ nguyên 8 huyện. Cuối năm 1946, thị xã Hưng Yên được thành lập, nâng tổng số huyện, thị xã của tỉnh Hưng Yên lên con số 9. Một năm sau (năm 1947), huyện Văn Giang được điều chuyển từ tỉnh Bắc Ninh về thì tỉnh Hưng Yên có 1 thị xã (Hưng Yên) và 9 huyện (Văn Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Khoái Châu, Kim Động, Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ).

Mốc thời gian quan trọng thứ hai, đó là sau gần 30 năm sáp nhập với tỉnh Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng (1968 - 1997), ngày 1.1.1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập. Đây là một bước ngoặt để Hưng Yên phát triển

Gần đây nhất, ngày 19.1.2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị định số 04/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Hưng Yên trực thuộc tỉnh Hưng Yên. Sự kiện này không chỉ mở ra một thời kỳ phát triển mới cho thành phố Hưng Yên mà trong tương lai, chiếc “đầu tầu” này sẽ kéo tỉnh Hưng Yên tiến lên, để Hưng Yên “sớm trở thành địa phương khá trong cả nước”.

3. 180 năm tuy không phải là một quãng thời gian dài đối với lịch sử hình thành và tồn tại của mảnh đất Hưng Yên trong lịch sử, nhưng cũng đã ghi bao dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước cũng như đổi mới của dân tộc ta. Tính từ thời điểm thành lập tỉnh Hưng Yên đến nay, đã có biết bao sự đổi thay về danh xưng, duyên cách, nhưng tựu trung lại, sự đổi thay đó đều nhằm một mục đích là đem lại sự phù hợp, cân đối và hài hòa trong sự phát triển. 10 đơn vị hành chính (gồm 1 thành phố và 9 huyện) của tỉnh Hưng Yên ngày nay chính là kết quả kết tinh của cả một quá trình lịch sử, mà dấu mốc đặc biệt quan trọng của hai điểm đầu, là năm Tân Mão (1831) và năm Tân Mão (2011).

Lê Quang Chắn

Viện Sử học

 

---------------

[1][1] Mỗi viên Tổng đốc thường quản lý 2 tỉnh vừa, duy Thanh Hoa là đất thang mộc của nhà Nguyễn nên đặt chức Tổng đốc riêng và 3 tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang gộp thành một liên tỉnh Sơn Hưng Tuyên.



 

Báo Hưng Yên