Thắp sáng ngọn lửa truyền thống, xây dựng tỉnh Hưng Yên giàu đẹp, văn minh

Tỉnh Hưng Yên nằm ở trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Năm 1831 (năm Minh Mệnh thứ 12), tỉnh Hưng Yên được thành lập. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn: Lần đầu tiên trong lịch sử, tên tỉnh Hưng  Yên xuất hiện. Đó là một sự kiện quan trọng, chứng tỏ vùng đất này đã phát triển đến mức trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền Trung ương. Trước đó, vào thế kỷ thứ XVI - XVII,  Hưng Yên có thương cảng Phố Hiến, là nơi hội tụ của các tàu thuyền nước ngoài từ bốn phương đến buôn bán ở Đàng Ngoài, hình thành một đô thị sầm uất, được mệnh danh "thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến", là "tiểu Tràng An". Thời đó, kinh thành Thăng Long có 36 phường thì Phố Hiến cũng đã từng có 23 phố phường, trong đó có tới 8 phường thủ công, đó là nét đặc sắc của Phố Hiến - Hưng Yên.

  

Hưng Yên nổi danh trong lịch sử Việt Nam là mảnh đất văn hiến, đã sản sinh ra nhiều anh hùng, hào kiệt, các nhà văn hóa lớn. Trong gần 10 thế kỷ khoa cử ở Việt Nam, Hưng Yên đã có 8 trạng nguyên trong tổng số 53 trạng nguyên của cả nước, có 205 tiến sỹ người Hưng Yên được ghi danh trên bia Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội và 228 người thi đỗ đại khoa được ghi danh trên bia Văn miếu thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên. Trong suốt quá trình đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước, vùng đất Hưng Yên thời nào cũng có những nhân tài mà sử sách còn ghi như: Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Bình, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Trung Ngạn, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Nghị... Đặc biệt, trong lịch sử hiện tại, Hưng Yên có nhiều nhà chính trị nổi tiếng như Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Lương, Trần Đình Hoan... các chiến sỹ anh hùng cách mạng như: Tô Hiệu, Bùi Thị Cúc... Đó là những người con ưu tú của Hưng Yên đã góp phần làm rạng danh Tổ quốc. Hưng Yên là "cái nôi" của phong trào Bãi Sậy, phong trào làm thủy lợi, bổ túc văn hóa, xây dựng làng văn hóa. Sinh thời Bác Hồ đã 10 lần về thăm và khen ngợi

Hưng Yên là tỉnh có mật độ di tích dày đặc của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, với 1.210 di tích văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng. Trong đó có 159 di tích, cụm di tích được Nhà nước xếp hạng  quốc gia, 83 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 32.574 cổ vật trong các di tích, đặc biệt là di tích Phố Hiến. Hưng Yên còn có nhiều đền, chùa nổi tiếng như: đền thờ Đức Tống Trân, đền Phạm Bạch Hổ, đền Đinh Điền, đền Trần, đền Phạm Ngũ Lão, đền Chử Đồng Tử, chùa Chuông, chùa Nôm... Đó là những không gian văn hóa truyền thống vật thể, phi vật thể, không gian tâm linh, đặc biệt hấp dẫn du khách bởi sự hài hòa cảnh trí thiên nhiên và hình khối kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc tinh vi.

Hưng Yên là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Tiếp thu ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Năm 1928, những thanh niên yêu nước ở Hưng Yên đã giác ngộ cách mạng, thành lập Chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội tại Sài Thị (Khoái Châu). Cuối năm 1929, chi bộ này được chuyển thành Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Đây là chi bộ Cộng sản đầu tiên của Hưng Yên. Chi bộ đã có những hoạt động tích cực, được nhân dân đùm bọc đã không ngừng lớn mạnh, phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh. Đầu tháng 7.1941, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên được thành lập tại Ninh Thôn xã Cẩm Ninh, huyện Ân Thi, cử ra ban cán sự lâm thời gồm 5 đồng chí. Việc thành lập Tỉnh ủy lâm thời là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là mốc son đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào cách mạng ở Hưng Yên... Trải qua 70 năm xây dựng, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên ngày càng trưởng thành, vững mạnh và phát triển không ngừng, từ chi bộ đầu tiên với 7 đảng viên đến nay có trên 55 nghìn đảng viên, 14 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy với 590 tổ chức cơ sở đảng, trên 2.600 chi bộ. Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

 

Sau 29 năm hợp nhất với tỉnh Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng (1968 - 1997), ngày 1.1.1997 tỉnh Hưng Yên được tái lập. Khi mới tái lập, xuất phát điểm kinh tế - xã hội của Hưng Yên còn thấp, tốc độ phát triển kinh tế chưa cao, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, kết cấu hạ tầng thấp kém (nhất là về giao thông, cấp điện, cấp nước và các dịch vụ thương mại, tài chính ngân hàng). Dù vậy, Hưng Yên có lợi thế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, giáp Hà Nội và các thành phố lớn, giao thông thuận tiện, đất đai màu mỡ, có lực lượng lao động trẻ dồi dào. Đảng bộ tỉnh xác định nhiệm vụ chiến lược là phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ gắn với giải quyết việc làm cho người lao động; phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và từng bước đưa Hưng Yên thành nơi đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho tỉnh và khu vực. Sau 15 năm tái lập tỉnh (1997 - 2011), được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương, sự phối hợp, chia sẻ có hiệu quả của các tỉnh, thành phố trong cả nước, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã đạt được những thành tựu quan trọng, hoàn thành khá toàn diện mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh thứ XIV, XV, XVI đề ra. Kinh tế tăng trưởng nhanh và tương đối bền vững, tốc độ tăng trưởng (GDP) bình quân 12% năm, thu hút trên 900 dự án đầu tư, đưa giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011 đạt trên 23 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 50 lần so với khi tái lập tỉnh, kinh tế nông nghiệp nông thôn chuyển dịch nhanh theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4% năm, năm 2011 đạt gần 4000 tỷ đồng; giá trị các ngành dịch vụ tăng bình quân 16% năm, năm 2011 đạt trên 11 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Năm 1997 nông nghiệp thủy sản chiếm 52%, công nghiệp, xây dựng chiếm 20%, dịch vụ chiếm 28%. Đến năm 2011 công nghiệp xây dựng và dịch vụ chiếm 76%, nông nghiệp còn 24%; kim ngạch xuất khẩu năm 1997 đạt 21 triệu USD, đến nay đạt 620 triệu USD, tăng gấp 30 lần; thu ngân sách năm 1997 đạt 84 tỷ đồng, năm 2011 đạt trên 4000 tỷ đồng, tăng gấp 48 lần; GDP bình quân đầu người năm 2011 đạt 24 triệu đồng, tăng gấp 7 lần; chi ngân sách bảo đảm đúng kế hoạch, chú trọng chi cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ, các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, việc làm, y tế, giáo dục. Nhờ sớm đề ra và thực hiện xuyên suốt chính sách xóa đói giảm nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, năm 2011 còn 9% theo tiêu chí mới. Nhiều công trình dự án lớn đã được khởi công, hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả. Kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp nhanh, khá đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, phát huy lợi thế từng vùng, từng ngành, thuận lợi trong đời sống sinh hoạt của nhân dân. Hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến, sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế được mở rộng, việc xây dựng làng văn hóa được đẩy mạnh. Các vấn đề xã hội tiếp tục được quan tâm giải quyết, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống của nhân dân nhìn chung ổn định và có mặt được cải thiện nâng cao.

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ tỉnh coi trọng cả 3 lĩnh vực: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt kết quả bước đầu, tạo sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, khơi dậy phong trào thi đua yêu nước trong xã hội. Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh. Tập trung củng cố, phát triển và xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, giải quyết các cơ sở đảng yếu kém. Bình quân hàng năm, số tổ chức cơ sở đảng đạt TSVM trên 81%, số yếu kém giảm còn 0,6%; đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 71% (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 12,4%), số vi phạm tư cách giảm còn 0,47%. Phát triển đảng viên mới bảo đảm về chất lượng, tăng tỷ lệ là đoàn viên thanh niên, công nhân, trí thức, trung bình hàng năm kết nạp trên 1.500 đảng viên. Hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng được coi trọng, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật của Đảng đã góp phần tích cực giáo dục cán bộ, đảng viên, ngăn ngừa vi phạm, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, giữ gìn sự trong sạch của Đảng, củng cố lòng tin trong Đảng bộ và nhân dân. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng tiếp tục được đổi mới, phát huy tốt hơn tính chủ động, sáng tạo và bảo đảm hoạt động theo quy định pháp luật của các tổ chức trong hệ thống chính trị; dân chủ trong Đảng được phát huy và mở rộng. Phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan đảng từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, gần gũi nhân dân; tăng cường đôn đốc, kiểm tra thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng.

Phát huy những kết quả đạt được trong các nhiệm kỳ trước, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2011- 2015 đã xác định mục tiêu tổng quát là: "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, nhất là công cuộc quy hoạch, đào tạo cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân, khai thác lợi thế, huy động nguồn lực, chủ động hội nhập, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế cao, chất lượng và bền vững; xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang nét đặc trưng của địa phương. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng vững chắc để Hưng Yên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020".

Kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 15 năm tái lập tỉnh Hưng Yên, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên vô cùng phấn khởi, tự hào với những kết quả to lớn đạt được trong chặng đường đã qua, đặc biệt trong 15 năm tái lập tỉnh. Với những thành tựu và những kinh nghiệm tích lũy được, với những truyền thống vẻ vang của một vùng đất văn hiến lâu đời, cùng sức mạnh nội lực hiện nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh Hưng Yên tăng cường đoàn kết, phát huy truyền thống văn hiến và cách mạng của quê hương, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, năng động, sáng tạo, ra sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh đề ra; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Nhân dịp này, thay mặt Đảng bộ tỉnh, tôi bày tỏ cảm ơn về sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, sự ủng hộ, hợp tác của các tỉnh, thành phố và nhân dân trong cả nước để Hưng Yên đạt được nhiều thành tựu, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công công cuộc đổi mới của Đảng

 

Báo Hưng Yên