Thẩm định và phê duyệt quy trình vận hành, khai thác bến sử dụng phà một lưỡi chở hành khách và xe ô tô

Đăng ngày 04 - 08 - 2016
100%

24. Thủ tục

Thẩm định và phê duyệt quy trình vận hành, khai thác bến sử dụng phà một lưỡi chở hành khách và xe ô tô

Trình tự thực hiện

Các bước thực hiện đối với cá nhân (tổ chức):

- Tổ chức, Công dân chuẩn bị hồ sơ hợp lệ;

- Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu chính đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở Giao thông vận tải Hưng Yên;

- Nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở Giao thông vận tải Hưng Yên.

Các bước thực hiện đối với cơ quan nhà nước:

- Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc không hợp lệ hướng dẫn người nộp hoàn chỉnh theo quy định. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy hẹn giao cho người nộp

Cách thức thực hiện

Nộp hồ sơ và trả kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở Giao thông vận tải Hưng Yên.

Hồ sơ

a) Thành phần hồ sơ, bao gồm:

- Đơn đề nghị phê duyệt quy trình vận hành, khai thác bến theo biểu mẫu quy định tại Phụ lục 1 (bản chính);

- Quyết định thành lập hoặc giấy cấp phép hoạt động của bến còn hiệu lực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp (bản sao công chứng);

- Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa (bản sao công chứng);

- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện thủy nội địa còn hiệu lực (bản sao công chứng);

- Dự thảo Quy trình vận hành, khai thác bến;

- Các tài liệu khác liên quan.

Hồ sơ phải ghi rõ địa chỉ và số điện thoại của người gửi.

b) Số lượng hồ sơ: 01 (bộ).

Thời hạn giải quyết

- Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày được nhận hồ sơ, nếu kiểm tra không đủ hồ sơ, Sở Giao thông vận tải phải trả lời bằng văn bản và yêu cầu bổ sung hồ sơ theo quy định.

- Thời gian thẩm định và ra quyết định phê duyệt là 20 (hai mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

 

Đối tượng thực hiện TTHC

Tổ chức, cá nhân.

Cơ quan thực hiện TTHC

a) Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Sở Giao thông vận tải Hưng Yên

b) Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được uỷ quyền phân cấp thực hiện (nếu có)

c) Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Phòng quản lý vận tải.

d) Cơ quan phối hợp (nếu có): Không

Kết quả thực hiện TTHC

Văn bản chấp thuận.

Phí, lệ phí

Không.

Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai

 Đơn đề nghị phê duyệt quy trình vận hành, khai thác bến theo biểu mẫu quy định tại Phụ lục 1;

Yêu cầu, điều kiện thực hiện TTHC

A. Điều kiện hoạt động của bến

Bến sử dụng phà một lưỡi khi tham gia vào hoạt động vận tải chở hành khách và xe ô tô phải đáp ứng các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Giao thông đường bộ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cấp giấy phép hoạt động còn hiệu lực; có quy trình vận hành, khai thác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; chỉ được phép chở hành khách, chở xe ô tô tải có tải trọng dưới 3,5 tấn và chở xe ô tô khách dưới 16 chỗ ngồi.

B. Yêu cầu về vận hành, khai thác bến

1. Đối với công trình bến:

a) Bến đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 25/2010/TT-BGTVT ngày 30 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa;

b) Bến phải được bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật hiện hành; đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; phải có nơi đỗ xe ô tô chờ qua phà và nhà chờ cho hành khách ở trước biển báo dừng lại ngoài cổng chắn của bến;

c) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cấp giấy phép hoạt động còn hiệu lực;

d) Mặt bến phải chắc chắn, sạch sẽ, không trơn trượt, không có ổ gà, không để chướng ngại vật, đủ cọc neo theo quy định về số lượng và chất lượng kỹ thuật; đảm bảo quay đầu xe khi xe lùi xuống phà và tiến lên;

đ) Đường dẫn vào bến phải đủ rộng đảm bảo cho hai xe ô tô đi ngược chiều nhau (hai làn xe); có đủ cọc tiêu, biển báo hiệu, bảng niêm yết giá vé, có cống hoặc cây chắn, hàng rào phân định rõ ranh giới hành khách, phương tiện giao thông đường bộ chờ đợi trước khi xuống phà;

e) Phải được bố trí tời tại bến có đủ sức kéo đối với phương tiện giao thông đường bộ có trọng tải lớn nhất được phép chở qua phà để ứng cứu phương tiện khi có sự cố xảy ra.

 

2. Đối với phà:

a) Có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện thủy nội địa còn hiệu lực, có bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực và các giấy tờ khác có liên quan theo quy định của pháp luật; kẻ hoặc gắn biển số đăng ký phương tiện thủy nội địa, sơn kẻ vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện thủy nội địa, số lượng hành khách được phép chở trên phương tiện thủy nội địa;

b) Đạt tiêu chuẩn chất lượng và được cơ quan đăng kiểm xác nhận đủ điều kiện được phép hoạt động;

c) Được trang bị đủ số lượng, đúng chủng loại các trang thiết bị, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định;

d) Có ghế ngồi cho người khuyết tật, người già, phụ nữ có thai và trẻ em khi đi phà;

đ) Lưỡi phà (phần tiếp giáp với lưỡi bến khi phà cập bến) phải chắc chắn, không trơn trượt, không lồi lõm, không để chướng ngại vật.

3. Đối với thuyền viên, nhân viên bến:

a) Người lái phà một lưỡi phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với loại phương tiện điều khiển; bố trí thuyền viên và người lái phà một lưỡi đúng theo đăng ký trong danh bạ thuyền viên; không được giao phương tiện thủy nội địa cho người lái phà một lưỡi trong thời gian bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi bằng lái, chứng chỉ chuyên môn;

b) Các thuyền viên phải được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ an toàn giao thông và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận để hướng dẫn hành khách và phương tiện giao thông đường bộ lên xuống phà được an toàn, thuận lợi;

c) Thuyền viên làm việc trên phương tiện thủy nội địa phải đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Điều 29 của Luật Giao thông đường thủy nội địa;

d) Thuyền viên và nhân viên bến phải có thiết bị liên lạc không dây cầm tay để phối hợp nhịp nhàng, thuận lợi trong công việc và hoạt động vận tải đảm bảo an toàn, thông suốt.

4. Đối với hàng hóa:

a) Hàng hóa chở trên xe ô tô phải được chằng buộc chắc chắn; trường hợp là động vật sống phải đóng cũi hoặc thùng cố định trước khi đưa xuống phà; xe ô tô, xe cơ giới ba bánh, bốn bánh phải chèn bánh bằng kê chèn;

b) Không chở hàng hóa thuộc danh mục cấm vận chuyển. Đối với các xe chở hàng hóa là gas, xăng dầu, khí hóa lỏng phải sắp xếp vận chuyển riêng (nếu xét thấy đảm bảo an toàn), không được chở cùng hành khách và phương tiện giao thông đường bộ trên phà; bình gas (chất đốt), can xăng, dầu do hành khách mang theo phải để vị trí riêng, đảm bảo an toàn ở trên phà.

C. Điều chỉnh quy trình vận hành, khai thác bến:

Trong quá trình vận hành, khai thác bến, nếu phát hiện những yếu tố bất hợp lý ảnh hưởng đến an toàn khai thác bến, chủ bến đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy trình vận hành, khai thác cho phù hợp với điều kiện khai thác của bến, trình Sở Giao thông vận tải xem xét, phê duyệt điều chỉnh.

Thành phần Hồ sơ và trình tự thủ tục phê duyệt điều chỉnh quy trình vận hành, khai thác bến tuân thủ theo quy định nêu trên.

Căn cứ pháp lý của TTHC

 

 - Luật Giao thông đường thuỷ nội địa số 23/2004/QH11 ngày 15/06/2004.

- Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17/6/2014;

- Thông tư số:22/2014/TT-BGTVT ngày 06/6/2014 của Bộ Giao thông vận tải Quy định hướng dẫn việc xây dựng quy trình vận hành, khai thác bến phà, bến khách ngang sông sử dụng phà một lưỡi dùng để chở hành khách và xe ô tô.

Tin mới nhất

°
49 người đang online