Công bố hoạt động cảng thủy nội địa

Đăng ngày 01 - 09 - 2015
100%

19.Thủ tục:

Công bố hoạt động cảng thủy nội địa

- Trình tự thực hiện:

Các bước thực hiện đối với cá nhân (tổ chức):

- Tổ chức hoặc cá nhân chuẩn bị hồ sơ hợp lệ;

- Nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở Giao thông vận tải Hưng Yên;

- Nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở Giao thông vận tải Hưng Yên.

Các bước thực hiện đối với cơ quan nhà nước:

- Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ.

- Trường hợp nhận hồ sơ trực tiếp: Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc không hợp lệ hướng dẫn người nộp hoàn chỉnh theo quy định.

- Trường hợp nhận hồ sơ qua bưu điện hoặc hình thức phù hợp khác: Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, trong thời gian 02 (hai) ngày làm việc kể từ nhận hồ sơ, Sở GTVT có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ.

- Nếu hồ sơ hợp lệ thì viết giấy hẹn giao cho người nộp

- Cách thức thực hiện:

Nộp hồ sơ và trả kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở Giao thông vận tải Hưng Yên.

- Thành phần, số lượng hồ sơ:

a) Thành phần bao gồm:

- Đơn đề nghị công bố cảng bến thủy nội địa Mẫu số 4

- Bản sao chứng thực quyết định đầu tư xây dựng cảng của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc bản sao kèm bản chính để đối chứng;

- Hồ sơ thiết kế kỹ thuật được phê duyệt; hồ sơ hoàn công;

- Biên bản nghiệm thu công trình;

- Bình đồ vùng nước của cảng;

- Bản sao giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phao nổi (nếu sử dụng phao nổi thay cho cầu tàu);

b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ

- Thời hạn giải quyết:

05 ngày làm việc

- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:

Cá nhân, tổ chức

 

- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:

a) Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Sở Giao thông vận tải Hưng Yên

b) Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được uỷ quyền phân cấp thực hiện (nếu có)

c) Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC:  Phòng Quản lý vận tải

d) Cơ quan phối hợp (nếu có):

- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:

Giấy phép hoạt động

- Lệ phí:

40.000 đồng/Giấy phép

- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:

Đơn đề nghị công bố cảng thủy nội địa Mẫu số 4

- Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có):

a) Nguyên tắc đầu tư, xây dựng cảng thủy nội địa

- Việc xây dựng cảng thủy nội địa phải tuân theo những quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường, tuân thủ kỹ thuật quốc gia, bảo đảm an toàn giao thông và các quy định khác liên quan hiện hành.

- Việc đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch hệ thống cảng thủy nội địa đã được phê duyệt. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa chưa có trong quy hoạch hoặc có sự khác nhau so với quy hoạch, trước khi thực hiện dự án, chủ đầu tư phải báo cáo và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy  hoạch chấp thuận.

b) Trong quá trình khai thác cảng, bến thủy nội địa, chủ cảng, bến phải thực hiện những quy định sau:

- Duy trì trạng thái hoạt động của bến, cảng và các thiết bị neo đậu phương tiện theo thiết kế đảm bảo an toàn, duy trì báo hiệu đường thủy nội địa theo nguyên tắc báo hiệu đường thủy nội địa;

- Xây dựng nội quy hoạt động của cảng, bến thủy nội địa; đối với cảng, bến hành khách phải có bảng niêm yết giá vé. Nội quy hoạt động, bảng niêm yết giá vé phải rõ ràng, bố trí ở nơi thuận lợi;

- Có đèn chiếu sáng khi hoạt động ban đêm, đối với cảng, bến khách phải có nơi chờ cho hành khách;

- Thiết bị phòng cháy, chữa cháy phải bảo đảm về số lượng và chất lượng sử dụng theo quy định của pháp luật và phải được bố trí ở vị trí thuận lợi khi sử dụng;

- Thiết bị xếp dỡ phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và phù hợp với kết cấu, sức chịu lực của công trình. Bố trí người điều khiển thiết bị xếp dỡ phải có chứng chỉ điều khiển theo quy định của pháp luật;

- Luồng vào cảng, bến thủy nội địa (nếu có) phải bảo đảm phù hợp với cấp kỹ thuật luồng đường thủy nội địa theo quy định và phải được kiểm tra, khảo sát thường xuyên bảo đảm chuẩn tắc phù hợp với cấp kỹ thuật của luồng đường thủy nội địa khu vực;

- Bố trí nhân lực quản lý, khai thác cảng, bến bảo đảm trật tự, an toàn;

- Trường hợp cho thuê cảng, bến thủy nội địa phải ký kết hợp đồng với chủ khai thác cảng, bến thủy theo quy định của pháp luật và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết;

- Trường hợp chấm dứt hoạt động, chủ cảng, bến phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền đã công bố cảng hoặc cấp giấy phép hoạt động bến để ra quyết định đình chỉ hoạt động cảng, bến thủy nội địa;

- Không xếp hàng hóa hoặc đón trả hành khách xuống phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, không đủ giấy tờ quy định; không xếp hàng hóa quá kích thước hoặc quá tải trọng cho phép hoặc nhận hành khách quá số lượng theo quy định; thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về xếp dỡ hàng hóa nguy hiểm;

- Tham gia cứu người, hàng hóa, phương tiện khi xảy ra tai nạn; báo cáo và phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết, khắc phục hậu quả tai nạn và ô nhiễm môi trường (nếu có); tuân thủ sự điều động của cảng vụ hoặc Ban quản lý bến trong việc cứu người, hàng hóa, phương tiện khi có tai nạn xảy ra trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa trong việc phòng chống lụt bão;

- Tạo điều kiện nơi làm việc và phối hợp với Cảng vụ hoặc Ban Quản lý bến trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong vùng nước cảng, bến.

c) Đối với bến sử dụng phà một lưỡi chở hành khách và xe ô tô: Ngoài các quy định đối với bến thủy nội địa còn có các điều kiện sau:

- Phải có nơi đỗ xe ô tô chờ qua phà và nhà chờ hành khách ở trước biển báo dừng lại ngoài cổng chắn bến;

- Mặt bến phải chắc chắn, sạch sẽ, không trơn trượt, không có ổ gà, không để chướng ngại vật, đủ cọc neo theo quy định về số lượng và chất lượng kỹ thuật; đảm bảo quay đầu xe khi lùi xe xuống phà và tiến lên;

- Đường dẫn vào bến phải đủ rộng đảm bảo cho hai xe ô tô đi ngược chiều nhau (hai làn xe); có đủ cọc tiêu, biển báo hiệu, bảng niêm yết giá vé, có cổng hoặc cây chắn chắn, hàng rào phân định rõ ranh giới hành khách, phương tiện giao thông đường bộ chờ đợi trước khi xuống phà;

- Phải được bố trí tời tại bến có đủ sức kéo đối với phương tiện giao thông đường bộ có trọng tải lớn nhất được phép chở qua phà để ứng cứu phương tiện khi có sự cố sảy ra.

- Đối với Phà:

Có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa theo quy định, Giấy chứng nhận ATKT&BVMT của phương tiện thủy nội địa còn hiệu lực, bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực và các giấy tờ khác có liên quan; kẻ hoặc gắn biển số đăng ký phương tiện thủy nội địa, sơn kẻ vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện thủy nội địa, số lượng hành khách được phép chở trên phương tiện thủy nội địa;

Đạt tiêu chuẩn chất lượng và được cơ quan đăng kiểm xác nhận đủ điều kiện được phép hoạt động;

Được trang bị đủ số lượng, đúng chủng loại các trang thiết bị, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định;

Có ghế ngồi cho người khuyết tật, người già, phụ nữ có thai và trẻ em khi đi phà;

Lưỡi phà (phần tiếp giáp với lưỡi bến khi phà cập bến) phải chắc chắn, không trơn trượt, không lồi lõm, không để chướng ngại vật.

- Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

- Luật Giao thông đường thuỷ nội địa ngày 15/6/2004

- Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17/6/2014;

- Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT ngày 17/10/2014 của Bộ GTVT Quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa.

- Thông tư số 47/2005/TT - BTC ngày 08/06/2005 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí quản lý Nhà nước về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa

- Thông tư số 22/2014/TT-BGTVT ngày 6/6/2014 của Bộ GTVT Hướng dẫn xây dựng quy trình vận hành, khai thác bến phà, bến khách ngang sông sử dụng phà một lưỡi chở hành khách và xe ô tô

Tin mới nhất

°
108 người đang online